Sau giãn cách xã hội, điện sản xuất toàn hệ thống bình quân ngày trong tuần đầu tháng 5/2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 15% so với tháng 4/2020. EVN cam kết đảm bảo đủ điện cho hoạt động sản xuất khi tái hoạt động và mở rộng quy mô.
Đó là một trong những nội dung báo cáo của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5 về tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid 19.
Về cung ứng điện, ông Dương Quang Thành cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, EVN và các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong tháng 4/2020 EVN vừa thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện trên toàn quốc.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu điện giảm, trong đó điện thương phẩm 4 tháng đầu năm 2020 là 66,37 tỷ kWh, chỉ tăng 3,46% so cùng kỳ 2019. Đặc biệt, điện thương phẩm tháng 4/2020 giảm 3,84% so với tháng 4/2019 (điện cấp cho thương mại dịch vụ giảm 31,9%; điện cấp cho công nghiệp giảm 5,76%; chỉ riêng thành phần điện cấp cho sinh hoạt và tiêu dùng nhân dân tăng 4,58%).Mặc dù nhu cầu điện giảm nhưng do hạn hán nên sản lượng thủy điện chỉ đạt 11,6 tỷ kWh, giảm 36,5% so cùng kỳ 2019. Vì vậy, EVN huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó huy động nhiệt điện dầu trên 1 tỷ kWh, tăng 2,5 lần so cùng kỳ 2019.
Báo cáo cũng nêu rõ, công tác đầu tư các dự án điện bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, đặc biệt việc cung cấp VTTB và các chuyên gia nước ngoài hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, đã đưa vào vận hành thương mại NĐ Duyên Hải 3 MR (688MW), đóng điện kịp thời các công trình lưới điện cấp thiết để giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận nên cơ bản giảm quá tải lưới điện, tăng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện mặt trời.Về kinh doanh và cung ứng các dịch vụ điện trong bối cảnh dịch Covid 19, EVN đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ điện trực tuyến, trong đó tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,96%. Từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát đến tháng 4/2020, yêu cầu cung cấp các dịch vụ tiếp nhận qua Công Dịch vụ công Quốc gia tăng 8,2 lần, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua internet tăng 4,5 lần.
Về việc miễn, giảm tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng số khách hàng được hỗ trợ giảm tiền điện trên 28,62 triệu khách hành (gồm 26,62 triệu hộ sinh hoạt và trên 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh). Tính đến ngày 6/5, EVN đã phát hành hóa đơn giảm tiền điện cho 2,3 triệu khách hàng với tổng số tiền giảm là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó hơn 600.000 khách hàng công nghiệp được giảm trừ gần 900 tỷ đồng.
Về đảm bảo cấp điện các tháng còn lại năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm giãn cách xã hội thì hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi, nên nhu cầu điện tăng trở lại, trong đó điện sản xuất toàn hệ thống bình quân ngày trong tuần đầu tháng 5/2020 tăng 15% so với tháng 4/2020. EVN xây dựng kế hoạch để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại với nhu cầu điện theo đúng kế hoạch đầu năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Tập đoàn cam kết đảm bảo đủ điện cho hoạt động sản xuất khi tái hoạt động và mở rộng quy mô. Đồng thời đảm bảo giải tỏa hết các nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, đặc biệt tại Ninh Thuận, Bình Thuận.EVN cũng đã cập nhật tính toán cân bằng cung cầu điện giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó sau khi thực hiện các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2021 – 2025.
Để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc góp phần phục vụ hồi sản xuất và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung sau:
Thứ nhất, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phối hợp với các đơn vị điện lực tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu trong công tác tiết kiệm điện, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, góp phần bổ sung thu nhập của người dân để giải quyết một phần khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. EVN cam kết tiếp tục hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều.
Thứ ba, đề nghị Sở Du lịch, Sở VHTT&DL, Sở Y tế sớm xác định khách hàng thuộc đối tượng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở phòng, chống dịch Covid-19 để EVN và các đơn vị thực hiện giảm giá điện, miễn giảm tiền điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(Theo Kinh tế&Đô thị)